T3, 05 / 2014 10:16 sáng | helios

Trong 9 tháng tuy không phải “mang nặng đẻ đau” như vợ nhưng chồng cũng đổ khá nhiều mồ hôi.

Trở thành xe ôm…

Tâm lí của chị em khi bầu bí là thích được chồng đưa đi đón về, nên chẳng khó hiểu khi các ông bố trẻ trở thành “xe ôm” mọi nơi mọi lúc.

“Mỗi ngày hai chiều đưa vợ đến cơ quan rồi lại đón về. Có hôm vợ “nổi hứng” buổi trưa muốn đi ăn hay đi mua gì đó là lại phi như ngựa đến đón. Ngoài ra, còn phải đèo vợ đi chợ, đi chơi,… Bất cứ lúc nào vợ cần là mình phải sẵn sàng làm “xe ôm” ngay!” – Anh Thành (Hoàng Mai) cho biết. Hỏi anh có cảm thấy mệt không, anh chỉ cười tươi: “Mệt thì mệt chứ, khổ nhất là sáng phải dậy sớm. Nhưng mấy khi vợ bầu bí, vả lại để vợ đi lại nhiều mình cũng không yên tâm!”

Nhưng không phải ai cũng thuận đường như anh Thành vì cơ quan hai vợ chồng ở cùng hướng. Như trường hợp của Tiến (Từ Liêm) thì đúng là “méo mặt”. Vì vợ chồng Tiến đều đi làm cách nhà hơn chục cây số, lại ngược đường nên để đưa vợ đi làm, mỗi sáng anh phải chạy xe thêm hơn 20km! Tiến nhăn nhó: “Biết vợ mang thai nên mình cũng tự nhủ là sẽ đưa cô ấy đi làm những hôm mưa gió, hoặc khi vợ mệt. Nhưng cô ấy lại nằng nặc đòi mình ngày nào cũng phải đèo đến công ty. Mấy tháng rồi mình phải dậy sớm nên lúc nào cũng mệt vì thiếu ngủ. Đã thế chiều lết được đến nơi đón vợ thì đã muộn lắm rồi. Hôm nào mà tắc đường nữa thì kiểu gì cũng bị vợ giận dỗi vì phải đợi lâu. Kiểu này lần sau trước khi vợ bầu chắc mình phải chuyển công ty mất!”

và nội trợ… bất đắc dĩ!

Không chỉ trở thành “xe ôm” như Tiến và Thành, nhiều ông bố trẻ khác còn phải “làm quen” với bếp núc, chợ búa và rất nhiều vai trò mới khi vợ bầu bí. Điển hình như Vinh (Đống Đa), anh chia sẻ: “Vì muốn vợ có thêm thời gian nghỉ ngơi nên mình xung phong đi chợ và nấu nướng. Nhưng việc này đối với đàn ông không hề đơn giản tí nào. Nhất là khi bầu bí vợ lại khá “khó tính” trong chuyện ăn uống. Nhiều hôm mình phải đi chợ tới 2 – 3 lần mà vợ vẫn chưa ưng, vì hôm thì thiếu gia vị, hôm lại mua món vợ …không có hứng ăn. Thế là phải quay xe lần nữa chứ biết làm sao!” Vinh cho biết, đi chợ đã vậy chứ nấu nướng lại còn gian nan hơn. Vì ít khi vào bếp nên không rành, thành ra món gì nấu cũng dở mặc dù đã cố gắng “thuộc lòng” công thức đọc trên mạng, lại có vợ kè kè “chỉ giáo”. Và sau một thời gian dài đào tạo mà không tiến bộ, Vinh đã phải chuyển sang làm phụ bếp cho vợ! “Ở vị trí này cũng mệt không kém đâu, được cái là vợ nấu nên món nào ra món đó chứ không “lôm côm” như mình” – Vinh cười.

Còn Quốc Anh (Cầu Giấy) thì rơi vào trường hợp dở khóc dở cười hơn khi vợ nghén mùi thức ăn nên không thể nấu nướng được. Nhà lại chỉ có 2 vợ chồng nên bất đắc dĩ, Quốc Anh phải xắn tay vào bếp. Khổ nỗi là cũng chẳng nấu ăn bao giờ nên anh phải vật vã lắm mới hoàn thành được một món, dù chất lượng chỉ ở mức tàm tạm. “Đã thế hầu hết các món mặn mình đều phải bê ra ngoài ăn một mình, vì vợ sợ mùi thịt, mùi dầu mỡ… May mắn là hết mấy tháng nghén ngẩm, vợ cũng ăn uống được và lúc ấy, “tay nghề” của mình cũng khá hơn nhiều rồi” – Quốc Anh vui vẻ kể.


Trong 9 tháng tuy không phải “mang nặng đẻ đau” như vợ nhưng chồng cũng đổ khá nhiều mồ hôi. (ảnh minh họa)

Những nỗi khổ không tên…

Bình thường, đang được vợ chăm sóc từng li từng tí, nên hầu hết các ông chồng đi làm về là chỉ cần nằm dài đợi cơm. Mọi việc khác đã có vợ quán xuyển. Thế nhưng khi vợ bầu thì ngược lại hoàn toàn. “Nghĩa vụ” chăm lo cho vợ được chuyển sang vai của chồng trong suốt 9 tháng!

Anh Quyết ở Thanh Xuân, Hà Nội kể: “Từ ngày vợ bầu bí, chẳng việc gì là không đến tay mình cả. Cô ấy bảo: “Em còn giữ sức để chăm con nữa, nên lúc mang thai anh phải “thay thế” em, để em còn nghỉ ngơi.” Vậy là mình không chối được. Mà công nhận là chăm vợ bầu chẳng đơn giản tí nào, mới mấy tháng mà mình đã bơ phờ cả người rồi đây này”.

Còn Minh (Định Công) thì khổ sở hơn vì phải nhịn đói để …ép vợ ăn! Số là vợ Minh trước giờ lười ăn kinh khủng. Đến khi mang thai vẫn không cải thiện được tình hình, bữa nào cũng vật vã mãi mới hết lưng cơm. Sợ con thiếu chất nên Minh phải hết dỗ dành, đến nịnh nọt mà vợ vẫn chẳng chịu ăn. “Cứ như ép trẻ con ăn ấy” – Minh nhăn nhó. Ads: Tuyển sinh cao đẳng dược phú thọ chính quy và cao đẳng dược bộ quốc phòng năm 2016

Cuối cùng, Minh đành giao hẹn với vợ: “Em ăn bao nhiêu thì anh cũng chỉ ăn từng ấy thôi”. Thế là đến bữa, vợ ăn một bát cơm thì Minh cũng ăn một bát rồi đứng dậy. Và vốn cao to lại ăn khỏe nên bình thường phải 4 – 5 bát cơm mới đủ, giờ ăn có 1 nên đêm nào bụng Minh cũng réo ầm ĩ. Thế là thương chồng quá, Trang – vợ Minh mới cố gắng ăn thêm. “Giờ cô ấy quen bụng nên ăn uống “ngon lành” rồi” – Minh tươi cười cho biết.

Nhưng chưa hết khổ, vì cân nặng của Minh từ đó cũng cứ tăng vù vù. Ai bảo lại giao hẹn tiếp với vợ: “Em ăn thêm được bao nhiêu thì anh ăn thêm chừng đó” cơ. “Nhiều hôm vợ còn nhõng nhẽo bắt mình uống hộ nửa cốc sữa bầu thì cô ấy mới uống. Thế là đành chiều vợ, nhưng tình hình này chắc vợ đẻ xong mình se khổ vì giảm béo đây!”

Mỗi ông chồng đều đối mặt với những vất vả riêng khi vợ mang bầu. Nhưng hầu hết họ đều tự nguyện và cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc vợ và đứa con sắp chào đời. Có điều, các bà vợ cũng…

Đừng biến 9 tháng hạnh phúc thành… cực hình!

Bởi các ông chồng cũng chẳng thể có 5 tay 10 tay để quán xuyến hết tất cả, nhất là với những việc họ ít khi phải làm. Vì thế, hãy kêu gọi sự trợ giúp của chồng khi bạn mang thai, để cảm nhận được niềm hạnh phúc vì có người sẻ chia, chăm sóc. Thay vì đổ luôn mọi trách nhiệm lên vai chồng, như thế sẽ làm họ thấy mệt mỏi rất nhiều.

Các mẹ cũng nên tự làm những việc trong khả năng của mình, để chồng tự thấy có trách nhiệm với vai trò của họ. Như thế, 9 tháng bầu bí sẽ thật tuyệt vời đấy!

Bài viết cùng chuyên mục