Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội mặc dù đã trải qua rất nhiều năm nhưng những ký ức đó vẫn còn mãi trong mỗi người con của Hà Nội. Hãy cùng chúng tôi ôn lại kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô – Niềm tự hào của người dân Hà Nội qua bài viết dưới đây!
Table of Contents
Ngày giải phóng Thủ đô là ngày nào?
Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 hay còn được gọi là ngày giải phóng Thủ đô là ngày diễn ra sự kiện diễn ra từ lúc 08 giờ ngày 10 tháng 10 năm 1954 các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào 5 cửa ô của Hà Nội nhận bàn giao chính quyền từ Quốc gia Việt Nam cùng một số cơ sở quân sự Pháp.
Ngày giải phóng Thủ đô 10/10 được coi là kết quả trực tiếp của Hội nghị Trung Giã và đánh dấu kết thúc Chiến tranh Đông Dương đồng thời khởi động tiến trình 2 năm thi hành Hiệp định Genève 1954.
Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô
Nguồn gốc lịch sử ngày giải phóng Thủ đô
Ngày 1/8/1954, Hiệp định Genève kết thúc chiến tranh được ấn định. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giành ưu thế và có quyền kiểm soát Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc vĩ tuyến 17 của Việt Nam.
Căn cứ theo Hiệu định thì Việt Nam tạm thời chia thành 2 khu tập kết quân sự phi quốc gia để chờ tổng tuyển cử thống nhất năm 1956.
Quân đội Nhân dân Việt Nam được tập kết ở phía Bắc vĩ tuyến 17 còn phía Nam vĩ tuyến 17 là của các lực lượng viễn chinh Pháp và Quân đội Quốc gia Việt Nam.
Cũng theo Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân Pháp. Pháp và Việt Nam đàm phán về các phương án tiếp quản thủ đô tại Phủ Lỗ từ 15/9/1954 đến 20/9/1954.
Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cử Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô.
Ngày 17/9/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội được thành lập để tiếp quản và quản lý thành phố.
Ngày 30/9/1954, tại Hội nghị Trung Giã, đại diện quân chính Việt Nam và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự.
Ngày 2/10/1954, ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính.
Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 đến 5/10/1954, các đội hành chính, trật tự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thành phố, chuẩn bị tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng.
422 cán bộ, nhân viên đội hành chính và 158 công an có vũ trang của đội trật tự đã kiểm kê và giải quyết các công việc chuẩn bị nhận bàn giao từ phía Pháp và Quốc gia Việt Nam, lập xong các biên bản để bàn giao vào ngày 7/10/1954.
Bức ảnh “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”
Khoảnh khắc ngày giải phóng thủ đô
Ngày 1 đến ngày 4/10/1954, Trung úy Ngô Quốc Trung nhận Giấy ủy nhiệm của Bộ Tổng tham mưu và Ban Liên lạc Bắc Bộ giao nhiệm vụ tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội, mở đường cho các cánh quân có thể dễ dàng tiến về Hà Nội.
Ngày 5/10/1954,Trung úy Ngô Quốc Trung được điều đi xe jeep cùng một đoàn sĩ quan tiến về Hà Nội để chính thức tiếp quản toàn bộ Hà Nội.
Hàng Đào khi có lệnh giới nghiêm trước khi Quân đội tiếp quản
Ngày 6/10/1954, các toán quân Pháp rút khỏi quận Văn Điển. Đây là quận đầu tiên ở ngoại thành được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản. Cùng ngày, quân Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông và ở phía Bắc, Pháp rút về Dốc Lã, cách Yên Viên 3 km.
Quân Pháp rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên
Ngày mồng 7 tháng 10, nhiều đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia tiếp quản Thủ đô, theo nhiều đường tiến về Hà Nội.
Chiều 8 tháng 10, một số đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tiến sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy. Trong khi đó, quân Pháp rút khỏi Yên Viên.
Lính Pháp lên xe rút khỏi Hà Nội
Sáng ngày 9/10/1954, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản 4 quận Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở và Quỳnh Lôi, tiếp theo là Đại lý Hoàn Long.
Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu.
Lần lượt, họ tiếp quản nhà ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ.
Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội.
16 giờ ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Một đơn vị bộ đội ta qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội trước sự chứng kiến của đoàn Ủy ban quốc tế thi hành Hiệp định Geneva và quan sát viên quốc tế
Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân tiến vào Hà Nội.
Nhân dân và chính quyền Hà Nội cùng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp quản tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của Pháp ở Hà Nội: sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Đồn Thủy, khu Thành (Citadel), những vị trí có tầm quan trọng đặc biệt.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản 129 công sở, công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học… trong đó có phủ Toàn quyền cũ, phủ Thủ hiến Bắc Việt (Bắc Bộ phủ cũ), Sở Mật thám Liên bang Đông Dương, những cơ quan đầu não, trọng yếu của Pháp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô
Các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội.
8 giờ ngày 10/10/1954: Cánh quân phía Tây, xuất phát từ “Quần Ngựa” (nay là Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa).
Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ Đô, dẫn đầu là Trung đoàn trưởng – Anh hùng Quân đội Nguyễn Quốc Trị.
Đoàn đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… đến 9 giờ 45 phút thì vào đóng trong “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Đông.
Cánh bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào khu vực Cửa Nam
Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào
Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã
8 giờ 45 phút 10/10/1954: Cánh quân phía Nam, thuộc 2 Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ “Việt Nam học xá” (khu vực Đại học Bách khoa bây giờ), tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi trở lại, theo hai hướng đông và tây của phố Trần Hưng Đạo, vào đóng quân ở các khu vực “Đồn Thủy” (Bệnh viện 108, Bệnh viện Hữu Nghị) và “Đấu Xảo” (Cung văn hóa Hữu Nghị).
Các đơn vị bộ đội thuộc Đại đoàn 308 tiến vào khu vực ngã năm Bờ Hồ
Cánh quân phía Nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 của Đại đoàn 308 tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế…
9 giờ 30 phút 10/10/1954: Đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy “tiếp quản Hà Nội”, do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ, và Phó chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã tư Vọng, sang Ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, phố Huế, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Bắc.
Với hai đường tiến binh từ mạn Tây và mạn Nam, sáng 10-10-1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã vào tiếp quản Thủ đô, chỉ bằng và qua hai cửa ô, là: Ô Cầu Giấy (tức: Ô Thanh Bảo) và: Ô Cầu Dền (tức: Ô Yên Thọ, ô Thịnh Yên).
Trong đó, tại ô Cầu Giấy, Trung úy Ngô Quốc Trung nhận nhiệm vụ tiếp quản ô này.
Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến về tiếp quản Thủ đô
Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 trên đường phố Thủ đô
15 giờ ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ thượng kỳ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Sau 9 năm, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội.
Còi Nhà hát Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do ủy ban quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ.
Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải), Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố và bác sĩ Trần Duy Hưng (bên trái), Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ
Tại buổi lễ chào cờ này, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ
Trên đây là bài viết về ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội để gợi nhớ lại niềm tự hào của người dân Hà Nội. Bạn có thể tìm đọc nhiều bài viết khác trên thanhnienvietnam.edu.vn nhé!