Ngày pháp luật Việt Nam được tổ chức để tôn vinh hiến pháp, luật pháp nhằm giáo dục và nâng cao ý thức người dân Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về ngày lễ kỷ niệm này qua bài viết dưới đây nhé!
Table of Contents
Ngày pháp luật Việt Nam là ngày nào?
Ngày pháp luật Việt Nam là vào ngày mùng 9 tháng 11 được quy định tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Ngày pháp luật tên đầy đủ là ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là ngày để khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật đối với đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam.
Ngoài ra ngày pháp luật còn thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước Pháp quyền. Đặc biệt ngày 9/11 chính là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành.
Ngày pháp luật Việt Nam là ngày 9/11 hàng năm
Ý nghĩa ngày pháp luật Việt Nam
Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 có ý nghĩa giáo dục sâu sắc và đề cao giá trị pháp luật của Nhà nước, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ chuẩn mực với pháp luật.
Ngoài ra ngày kỷ niệm này còn đề cao quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân và cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.
Qua đó nâng cao ý thức, niềm tin vào pháp luật và từng bước củng cố, xây dựng các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội.
Đồng thời đây còn là hoạt động để vận động, khuyến khích, kêu gọi nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh.
Đồng thời, ngày pháp luật Việt Nam cũng gửi thông điệp đến các nước bạn bè trên toàn thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài về hình ảnh Việt Nam tươi mới và xây dựng một đất nước ước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Chính vì vậy việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, cán bộ công chức trong thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước là vô cùng cần thiết.
Ngày pháp luật có ý nghĩa với Việt Nam và cả trên thế giới
Lịch sử ngày pháp luật Việt Nam
Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được ban hành.
Sau Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã có thêm 4 bản Hiến pháp vào những năm 1959, 1980, 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) và mới nhất là Hiến pháp năm 2013.
Mặc dù đã trải qua 5 bản Hiến pháp nhưng những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.
Chính vì vậy vào ngày 8/11/2013 tại Thủ đô Hà Nội, Hội đồng phổ biến giáo dục trung ương và Bộ Tư pháp tổ chức Lễ Công bố Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày pháp luật Việt Nam do đích thân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chính thức công bố.
Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Trên thế giới có khoảng 40 quốc gia có ngày pháp luật, ở Việt Nam ý tưởng này bắt nguồn từ sáng kiến của tỉnh Hà Tây cũ (Hà Nội), Long An, Tiền Giang và các tỉnh khác.
Ban đầu, ngày này chỉ tổ chức ở các cơ quan, đơn vị cho cán bộ, công chức, viên chức như một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để họ được phổ biến và quán triệt các văn bản mới được ban hành trong lĩnh vực quản lý, hoạt động của mình.
Bắt đầu từ năm 2010, mô hình Ngày Pháp luật đã được lan tỏa ra hầu hết các Bộ, Ban, Ngành và tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương.
Ngày 9/11 chính là ngày bản Hiến pháp đầu tiên được ban hành
Khẩu hiệu ngày pháp luật Việt Nam năm 2022
Ngày 17/6/2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1369/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Bộ Tư pháp:
- Sống và làm việc theo pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
- Tăng cường truyền thông chính sách pháp luật, góp phần tạo đồng thuận xã hội và đưa pháp luật vào cuộc sống.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp trách nhiệm, sáng tạo, thực hiện hiệu quả công vụ.
- Chủ động tìm hiểu, gương mẫu tuân theo Hiến pháp và pháp luật là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp.
- Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
- Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp tích cực tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Tích cực cải cách hành chính, giảm thiểu chi phí tuân theo pháp luật, góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
- Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
- Ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật là góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội.
Sống và làm việc theo pháp luật là hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam
Trên đây là bài viết của chúng tôi về ngày pháp luật Việt Nam, hy vọng bài viết giúp ích cho bạn. Truy cập thanhnienvietnam.edu.vn để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác nhé!