Tết Trung thu hay rằm Trung thu là một trong những ngày lễ lớn trong văn hóa của người Việt Nam từ xưa đến nay. Vậy hãy cùng chúng tôi khám phá xem ngày Tết trung thu ở Việt Nam có gì đặc biệt nhé!
Table of Contents
Tết Trung thu là ngày gì? Trung thu ngày mấy tháng mấy?
Ngày Tết Trung thu hay rằm Trung thu là ngày 15/8 theo Âm lịch hàng năm. Tết Trung thu còn có rất nhiều tên gọi khác như là Tết trông Trăng, Tết hoa đăng, Tết thiếu nhi, Tết Đoàn viên…
Đây là ngày Tết thiếu nhi vì trẻ em rất mong đợi được đến ngày Tết Trung thu vì thường được bố mẹ tặng đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước… được ăn bánh nướng, bánh dẻo…
Gọi là Tết trông Trăng là bởi vào ngày này dân gian thường làm những mâm cỗ Trung thu cùng với những chiếc bánh nướng, bánh dẻo quây quần bên gia đình cùng nhau ngắm trăng.
Tên gọi Tết Đoàn viên bắt nguồn từ việc ai cũng muốn trở về bên cạnh gia đình vào dịp lễ Trung thu cùng nhau tâm sự, ăn bánh trung thu và ngắm trăng, ngắm trẻ em đi rước đèn…
Ở 1 số nơi mọi người còn rủ nhau đi thả hoa đăng để gửi lời nhắn nhủ của mình đến người thân ở bên kia thế giới hay là viết ra những điều ước của mình vì vậy Trung thu còn được gọi là Tết hoa đăng.
Bên cạnh đó vào khoảng thời gian này nông dân cũng đã thu hoạch xong mùa vụ và bắt đầu tổ chức những lễ hội mà trong đó tiêu biểu là lễ hội trăng rằm.
Ngoài ra Trung thu cũng là một ngày lễ ở các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore…
Tết Trung thu vào ngày rằm tháng 8 Âm lịch
Sự tích ngày Tết Trung thu và nguồn gốc Trung thu ở Việt Nam
Theo sự tích, Tết Trung thu bắt nguồn từ nhà Đường, thời vua Duệ Tôn. Vào đêm khuya rằm tháng tám, trăng tròn, gió mát, khi vua đang chơi ngoài thành thì bắt gặp một vị tiên giáng thế trong hình hài một ông lão.
Vị tiên hóa phép tạo thành một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng còn đầu kia chạm mặt đất và vua trèo lên cầu vồng đi đến cùng trăng dạo chơi nơi cung Quảng.
Trở về trần thế nhà vua nuối tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng nên đã đặt ra tết Trung thu.
Cho đến bây giờ vẫn chưa rõ Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Quốc.
Bên cạnh truyền thuyết trên của Trung Quốc thì còn có truyền thuyết về Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng, Thỏ Ngọc, Sự tích về chú Cuội của Việt Nam…
Theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh Tết Trung thu được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ từ thời xa xưa ở Việt Nam.
Có thể bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng bằng sông Hồng của Việt Nam, là một ngày lễ hội mừng thu hoạch được mùa, nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau mỗi vụ mùa.
Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn.
Đến đời vua Lê – chúa Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
Trải qua nghìn năm lịch sử, Tết Trung thu vẫn là một nét văn hóa trong mùa thu của người Việt. Khắp nơi vẫn trang trí và tổ chức các hoạt động, lễ hội Trung thu cho trẻ em và cả người lớn.
Sự tích chú Cuội gắn liền với Tết Trung thu ở Việt Nam
Hoạt động ngày Tết Trung thu tại Việt Nam
Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, “dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi…”
Đồ chơi trẻ em trong Tết trung thu thường làm bằng giấy như bươm bướm, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá,….Trẻ em buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la…
Người ta mua bánh Trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng Rằm vừa mới lên cao và đồng thời để biếu tặng người thân, bạn bè, họ hàng…
Người Trung Hoa thường tổ chức múa Rồng còn ở Việt Nam hay tổ chức múa Lân.
Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”.
Ngoài ra theo phong tục người Việt người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.
Những hoạt động đặc trưng của Trung thu ở Việt Nam có thể kể đến như là:
- Rước đèn
- Múa lân
- Bày cỗ, phá cỗ
- Đồ chơi Trung thu
- Bánh trung thu: Bánh nướng, bánh dẻo
- Hát trống quân
- Tục tặng quà
- Ngắm trăng
Có rất nhiều hoạt động vào ngày lễ Trung thu
Ngày Tết Trung thu ở nước ngoài
Ngoài Việt Nam và Trung Quốc thì có rất nhiều đất nước cũng có Tết Trung thu.
Tại Triều Tiên và Hàn Quốc, ngày này là lễ tạ ơn (Chuseok), ngày mà người nông dân làm lễ tạ ơn tổ tiên vì đã cho một mùa màng bội thu.
Đây là ngày tết lớn thứ hai trong năm được nghỉ lễ quốc gia kéo dài 3 ngày và người Hàn sẽ về thăm quê và ăn những món ăn truyền thống.
Ở Nhật Bản thì người dân tụ tập làm những món bánh truyền thống rồi để những khay bánh kế bên hiên nhà, gần cửa sổ hay bất cứ chỗ nào có thể nhìn trăng rõ nhất.
Đặc biệt theo quan niệm của họ thì nếu trẻ em đến ăn bánh nhà mình họ sẽ gặp rất nhiều may mắn trong năm.
Ngoài ra Tết Trung thu Nhật Bản còn là dịp những người xa xứ trở về cùng nhau liên hoan, làm món ăn truyền thống và chuẩn bị những trang phục đẹp để đi lễ hội.
Tại Đài Loan, ngày lễ Trung thu là ngày nghỉ lễ chính thức cho cả nước và những buổi nướng thịt ngoài trời đã trở thành dịp để thắt chặt tình cảm giữa gia đình và đồng nghiệp trong công ty.
Đến năm 2011, thành phố Đài Bắc chỉ định 11 công viên ven sông để làm nơi nướng thịt ngoài trời cho công chúng.
Còn ở Hồng Kông và Macau, ngày tiếp sau rằm tháng 8 là ngày nghỉ lễ chính thức, bởi vì có rất nhiều sự kiện lễ hội được tổ chức vào đêm trước.
Có rất nhiều nước Châu Á có ngày Tết Trung thu
Ý nghĩa ngày Tết Trung thu
Trải qua hàng ngàn năm, cuộc sống mỗi con người cũng giống như vầng trăng. Trăng tròn hay trăng khuyết giống như niềm vui, nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp, chia tay.
Chính vì vậy trăng tròn là biểu tượng sum họp và Tết Trung thu cũng là Tết đoàn viên. Theo phong tục người Việt, gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.
Khi trăng bắt đầu lên thì xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh nướng, bánh dẻo, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ…
Ngoài ra Tết Trung thu còn là dịp người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia.
Nếu trăng rằm màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ còn nếu màu xanh lam hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai cò và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Tết Trung thu mang ý nghĩa sum họp và đoàn viên
Trên đây là bài viết khám phá ngày Tết Trung thu ở Việt Nam hy vọng sẽ giúp ích cho bạn. Bạn có thể đọc thêm nhiều bài viết khác trên thanhnienvietnam.edu.vn nhé!