Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng đồng thời là tôn vinh người phụ nữ Việt Nam ta. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về ngày trọng đại này qua bài viết dưới đây!
Table of Contents
Ngày thành lập Hội phụ nữ Việt Nam là ngày nào?
Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Hội phụ nữ Việt Nam) là ngày 20 tháng 10. Hội là một tổ chức chính trị, xã hội của phụ nữ Việt Nam.
Hội được lập ra với mục đích hoạt động vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ.
Hội phụ nữ Việt Nam là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là thành viên của Liên đoàn phụ nữ Dân chủ quốc tế và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức cấp quốc gia có quy mô lớn so với trên thế giới. Trụ sở Trung Ương Hội tại 39 Hàng Chuối, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
20 tháng 10 là ngày thành lập Hội phụ nữ Việt Nam
Lịch sử ngày thành lập Hội phụ nữ Việt Nam
Việt Nam dưới chế độ phong kiến và đế quốc thì phụ nữ là những người bị bóc lột, chịu nhiều áp bức và bất công nhất nên họ luôn muốn được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng.
Ngay từ những ngày đầu đế quốc Pháp xâm lược, họ đã tham gia vào nhiều phong trào như Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du.
Ngoài ra nhiều người phụ nữ nổi tiếng tham gia và các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai…
Từ 1927, những tổ chức quần chúng dần hình thành và thu hút đông đảo phụ nữ tham gia như Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như:
- 1927: Nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ. Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.
- 1928: Nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.
- 1930: trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (ở Nghệ An và Hà Tĩnh) đã có 12.946 chị tham gia giải phóng và cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết trên 300 xã.
Ngày 1/5/1930, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh hơn 4000 nông dân ở huyện Châu Thành và Mỹ Tho với hàng ngàn phụ nữ tham gia.
Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Nghị quyết về Phụ nữ vận động.
Bản Nghị quyết nhấn mạnh: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu.
Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được.
Bởi vậy, nên công tác trong quần chúng phụ nữ không phải là một cái nhiệm vụ phụ thuộc của Đảng; công tác ấy chính là một cái nhiệm vụ rất lớn và rất trọng yếu”.
Nghị quyết này cũng xác định: “… Đảng phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ, phụ nữ hiệp hội mục đích là mưu quyền cho phụ nữ, làm cho phụ nữ triệt để giải phóng”.
Đảng còn ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội, trong đó quy định:Phụ nữ Liên hiệp hội Đông Dương gồm một Ban Chấp hành ủy viên Đông Dương, năm Xứ phụ nữ Hiệp hội (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Cao Miên), một phân hội phụ nữ và một Ban Chấp hành ủy viên trong mỗi thành phố hay mỗi phủ, huyện…
Chính vì vậy mà ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập.
Sự kiện lịch sử này đã thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Ngày 20/10/1930 Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập
1930-1936, tổ chức Phụ nữ Giải phóng dần hình thành và thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào của cách mạng (điển hình là Xô viết Nghệ TĨnh)
Tổ chức đã tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc phong kiến.
1936-1938, trước yêu cầu của cách mạng, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 8/1937 về công tác vận động phụ nữ đặt ra nhiệm vụ chống phát xít, chống chiến tranh bằng hình thức công khai, hợp pháp.\
Do đó tổ chức cách mạng phụ nữ đổi thành Hội phụ nữ Dân chủ. Hội đã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, nam nữ bình đẳng và tổ chức các hoạt động gắn với tính chất ngành nghề của phụ nữ để đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ như: hội Ái hữu, hội Truyền bá quốc ngữ.
1939-1941, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ với chủ trương của Đảng là “Vận động phụ nữ tổ chức các hội phụ nữ phản chiến, các hội cứu tế, bảo an, để giúp đỡ nhau… chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình”.
Để phù hợp với tình hình Hội đổi tên lần nữa là Hội phụ nữ Phản đề. Hội liên tục vận động chị em tham gia mít-tinh, biểu tình, lập các hội cứu tế, bảo an, tham gia chống bắt lính với khẩu hiệu chống đế quốc chiến tranh, đòi hòa bình, đòi bồi thường chiến tranh.
1941-1945, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng.
Đặc biệt phụ nữ là lực lượng hùng hậu, không thể thiếu để Việt Nam trong sự thành công của Cách mạng tháng Tám 1945 vang danh lịch sử thế giới.
Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức trụ cột.
Hội đã lãnh đạo phong trào phụ nữ cả nước, góp phần quan trọng trong thắng lợi lịch sử vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946–1954).
Ngày 14-19/4/1950, đã diễn ra Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ Nhất. Đoàn Phụ nữ Cứu quốc hợp nhất với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà Lê Thị Xuyến được bầu là Chủ tịch Hội.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là thành viên của Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế.
Ngày 8/3/1962, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập, là một tổ chức phân nhánh độc lập của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Định được bầu làm Chủ tịch.
Năm 1976, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hợp nhất lại thành một tổ chức thống nhất là Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Năm 1978, phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Năm 1989, Hội LHPN Việt Nam phát động hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”.
Năm 1992, tiếp tục thực hiện hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”.
Năm 1997, phát triển hai phong trào thi đua thành phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc” và “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”.
Phong trào “Ngày tiết kiệm vì Phụ nữ nghèo”. Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục phát động phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” thực hiện trong nữ công nhân viên chức và người lao động.
Năm 2002, tiếp tục phát động phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Năm 2007, tiếp tục phát động phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo.
Năm 2010, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.
Năm 2012, phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; đồng thời triển khai sâu rộng 2 cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và “Rèn luyện các phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Năm 2017, Phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động: “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ý nghĩa ngày thành lập Hội phụ nữ Việt Nam 20/10
Từ khi thành lập là ngày 20/10/1930 đến nay Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lớn mạnh không ngừng. Hội luôn là tổ chức chính trị – xã hội nòng cốt, đóng góp vào thắng lợi cách mạng.
Đồng thời Hội đã đạt được những bước tiến dài trên con đường tạo lập vị thế bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam.
Trải qua nhiều thăng trầm dù ở cương vị nào thì phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực, đảm đang, với tấm lòng nhân hậu đóng góp sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Hằng ngăm, hoạt động chào mừng ngày 20/10 tại Việt Nam luôn được chú trọng.
Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… có rất nhiều hoạt động kỷ niệm bằng nhiều hình thức phong phú nhằm vinh danh phụ nữ Việt.
Những bó hoa tươi, đồ trang sức, mỹ phẩm, quần áo… luôn là những món quà tặng đặc biệt dành cho những người phụ nữ.
Nhiều người sẵn sàng chi ra những số tiền khổng lồ để thể hiện tình cảm hay để tri ân với những người phụ nữ xung quanh mình.
Từ ngày thành lập đến nay Hội lớn mạnh không ngừng
Trên đây là bài viết về ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam của chúng tôi. Bạn có thể đọc thêm nhiều bài viết khác trên thanhnienvietnam.edu.vn nhé!